Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Lãng đãng quanh chén đậu hũ

Ẩm thực ngày chưa quá xa

Lúc đó, đời sống khu dân cư nơi tôi trú ngụ rất khó khăn. Người dân chỉ có chiếc đài radio để nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Loa phường cũng thường phát thanh để các gia đình không có radio có thể nghe được các tin tức thời sự. Gần đây có đề xuất bỏ loa phường ở Hà Nội, tôi thấy có điều gì đó không ổn. Bởi khi có thiên tai, địch họa, loa phường là phương tiện thông tin đại chúng thông báo đầu tiên và hiệu quả cho người dân nghe, biết và phòng tránh. Chẳng hạn, trong đêm lũ lên, loa phường đọc công điện khẩn, phát đi phát lại nhiều lần để người dân cảnh giác. Tivi, điện thoại, máy tính kết nối mạng internet đâu có thể “báo động” cảnh giác cho người dân 24/24h được!

Gánh đậu hũ Huế. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Gánh đậu hũ Huế. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Gánh đậu hũ Huế. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Một thời gian sau, một nhà trong xóm sắm được tivi và đầu máy video. Cả xóm tụ tập lại trong cái “rạp phim” cỡ nhỏ. Thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau lúc “tối lửa tắt đèn” nên khi xem phim cùng nhau bà con chòm xóm đều vui vẻ. Người xem ngày càng đông đúc, bà con liền kêu gọi góp tiền thuê băng, trả bớt tiền điện để gia chủ khỏi lo phiền.

Nước máy nhiều nhà chưa có, phải đi gánh từng thùng nước giếng với giá 500đ/thùng. Giặt giũ, tắm rửa cùng chung cái bến nước. Bởi vậy, họp tổ dân phố bà con đi đông lắm. Ai không giữ gìn vệ sinh chung, không đóng góp cho khoản dọn dẹp vệ sinh bến nước sau mùa bão lũ, bà con có ý kiến ngay.

Thời xa xưa khó khăn nhưng đồ ăn thức uống hàng ngày không đắt đỏ, không có hóa chất độc hại. Một tô cơm hến có giá 1.000đ, một ổ bánh mì kẹp thịt cũng cỡ giá đó. Bún bò giò heo, “sang chảnh” hơn, chỉ có 5.000-10.000đ/tô. Tôi xem trên các báo hiện nay có một số chỗ bán cà phê trộn pin, rau phun thuốc rầy, thịt ngâm hóa chất gây ung thư, thực phẩm “biến đổi gene” thấy lạnh cả người!

Khi đó xóm tôi không có nhà nào có tủ lạnh nên các món như sirô, sữa chua, kem... đều không bán. Ngay cả nước đá cũng không có để bán. Thay vì uống bia nhan nhản như hiện nay, người dân lại uống rượu. Hai cái món này tôi đều rất ghét vì nó làm chúng ta đầu óc từ hưng phấn chuyển sang mụ mị dần. Chuyện đánh nhau, chuyện tai nạn giao thông, chuyện bệnh tật... đều có một phần nguyên nhân từ chúng mà ra. Thế mà các nhà máy bia rượu mọc lên như nấm trong các năm gần đây, tôi thấy cũng lạ! Và theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2017, sản lượng bia các loại ước đạt 4 triệu lít, tăng 5,65% so với năm 2016. Về sản lượng rượu, năm 2016, nước ta tiêu thụ 305 triệu lít, trong đó rượu công nghiệp khoảng 70 triệu lít/năm, còn lại rượu thủ công chiếm 200 triệu lít.

Nhớ... chén đậu hũ

Trở lại chuyện chén đậu hũ. Nghe mệ tôi kể, từ rất lâu, đậu hũ đã trở thành một món ăn giải khát dân dã của người Huế. Đang đổ mồ hôi hột và khát khô cổ họng, thưởng thức được loại ẩm thực này chắc hẳn ai cũng sẽ “mát lòng mát dạ” ngay tức thì!

Món ăn này được làm từ đậu nành. Đậu nành ngâm vào nước cho mềm và vò thật sạch, sau đó đem xay lấy nước có mùi thơm, màu trắng như sữa. Nước đậu ấy pha với nước lạnh theo đúng tỉ lệ rồi cho vào một cái nồi lớn, nấu sôi. Trong quá trình nấu phải canh lửa cẩn thận sao cho nhiệt độ sôi vừa đủ, cho thêm bó lá dứa tươi và dùng thanh gỗ khuấy đều. Đậu dậy mùi thơm đem lọc qua một tấm vải sạch trước khi đổ vào chum, đậy kín khoảng 20 phút thì sẽ đông. Khi múc ra chén, đậu hũ sẽ được người bán khuấy đều với đường và vắt một ít chanh trộn lẫn, tạo nên một món ăn ngon, bổ, rẻ nhưng có tác dụng giải nhiệt rất nhanh chóng.

Vào những ngày nắng nóng, du khách lỡ bắt gặp một gánh đậu hũ do các mệ, các o bán và dừng lại thưởng thức sẽ có thể cảm nhận được vị thanh mát của chanh cùng vị ngọt lịm của đường hay vị béo bùi của đậu hũ nơi đầu lưỡi, đủ để xua tan đi mọi sự oi bức, nóng nảy của khí trời. “Chất Huế” rất riêng là đây chứ còn ở đâu nữa! Nó dân giã bình dị đến mức gây nên cho du khách một cảm giác khó tả đến lạ lùng! Cứ như được trở về với vùng nông thôn dân dã với những con người mộc mạc, giản dị, đầy ắp nghĩa tình.

Tiếc là những gánh đậu hũ ngày càng hiếm ở Huế. Giá cả của nó cũng đã thay đổi. Gần đây, tôi ăn một chén đậu hũ với giá 7.000đ. So với mức tăng giá hiện nay, điều này cũng là bình thường khi một tô cơm hến đã 8.000đ, ổ bánh mỳ kẹp thịt đã 8.000đ, tô bún bò giò heo đã 20.000-25.000đ.

Kỳ lạ thay chén đậu hũ, ai đã từng thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên! Bởi thế trong tôi vẫn thoang thoảng ký ức về một hương vị thơm ngon như mùi lúa chín. Mặc dù, đồ ăn thức uống hiện nay ngày càng cầu kỳ, phong phú nhưng có cái gì đó khiến người ra cảm thấy không an toàn. Phải chăng vì thế nên tôi thường nhớ đến hương vị chén đậu hũ ngày xưa?

Mong sao tiếng rao “Ai đậu hũ không?” của các mệ, các o đến tận mai sau không chỉ là ký ức trên giấy!

NGUYỄN VĂN TOÀN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét